Lịch sử phát triển
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA TÂM LÝ - GIÁO DỤC
1. Thời kỳ tiền thân của Khoa Tâm lý - Giáo dục
Vào mùa thu năm 1966, tại huyện Đại Từ - một vùng chiến khu xưa của tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc được ra đời. Lúc này đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ rất khốc liệt. Miền Bắc vừa hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình đó, sự ra đời của một trường Đại học Sư phạm là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Trường gồm 7 khoa: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh và một số tổ bộ môn chung trực thuộc trường, trong đó có bộ môn Tâm lý - Giáo dục (tiền thân của Khoa Tâm lý - Giáo dục ngày nay). Năm học đầu tiên Tổ chỉ có 2 cán bộ trong biên chế và một cán bộ biệt phái. Tổ trưởng đầu tiên là thầy Phùng Đức Hải. Từ năm 1966 - 1975, cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Cũng như các Khoa khác trong Trường, Tổ Tâm lý - Giáo dục đã trải qua những chặng đường sơ tán về vùng nông thôn đầy gian khổ. Chính trong thời gian ấy Tổ đã trưởng thành, vững bước đi lên, phấn đấu dạy tốt, làm tốt công tác dân vận, “bám lớp, bám dân” trong tình yêu thương, đùm bọc của bà con huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên). Cũng chính trong thời gian này, Tổ đã biên soạn nhiều tài liệu giảng dạy, học tập về Tâm lý học, Giáo dục học. Một số công trình nghiên cứu về đặc điểm tâm lý của học sinh dân tộc thiểu số, lý luận dạy học, giáo dục hướng nghiệp … cũng được triển khai. Cùng với nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Tổ đã cử một số cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Một số thầy cô sau này trở thành các nhà khoa học đầu ngành như thầy Nguyễn Văn Hộ, thầy Đặng Danh Ánh…
Sau năm 1975, hòa cùng không khí thống nhất hai miền Nam - Bắc, Tổ Tâm lý - Giáo dục tích cực giảng dạy, góp phần vào hoạt động đào tạo chung của Trường; tiếp tục cử cán bộ đi học tập và bồi dưỡng chuyên môn ở nước ngoài nhằm phát triển và kiện toàn đội ngũ. Năm 1991, do có sự đổi mới về giáo dục, trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc được sáp nhập vào trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Tổ Tâm lý - Giáo dục được bổ sung thêm số cán bộ của Tổ Tâm lý - Giáo dục trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc.
2. Thời kỳ thành lập Khoa (từ năm 1996 đến nay)
- Từ năm 1996 đến năm 2005:
Đáp ứng yêu cầu phát triển, ngày 26 tháng 3 năm 1996, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên ra quyết định thành lập Khoa Tâm lý - Giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, đánh dấu một chặng đường phát triển mới. Trưởng khoa đầu tiên là TS. Phan Hữu Tham.
Từ năm 1996 - 1998, Khoa tập trung xây dựng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Tâm lý - Giáo dục. Năm học 1999 - 2000 là năm khởi đầu của hệ đào tạo 4 năm đối với sinh viên chuyên ngành của Khoa. Trong những năm đầu này, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo hệ cử nhân của Trường, Khoa đã liên kết với khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở lớp đào tạo thạc sĩ Tâm lý học và Giáo dục học nhằm phát triển chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trẻ của Khoa.
Từ năm 2000 – 2005, để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng phát triển của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên trong thời kỳ mới, Khoa Tâm lý - Giáo dục nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo sau đại học và đã thành công trong việc mở mã ngành đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học. Năm 2004, với sự thành công trong việc mở mã ngành đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử giáo dục, Khoa Tâm lý - Giáo dục trở thành một trong những Khoa đầu tiên của Trường có đào tạo trình độ tiến sĩ. Đây cũng là thời kỳ Khoa đã có những thay đổi đáng kể trong công tác đào tạo do Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên chuyển đổi từ phương thức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ.
-Từ năm 2005 đến năm 2010:
Tiếp tục phát triển chương trình đào tạo sau đại học, năm 2006, Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục.Trong thời kỳ này, lực lượng đội ngũ cán bộ của Khoa đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Khoa đã và tiếp tục đào tạo 11 khóa chính quy trình độ cử nhân Tâm lý – Giáo dục, 10 khóa trình độ Thạc sĩ Giáo dục học, 4 khóa trình độ Thạc sĩ Quản lý giáo dục và 6 khóa trình độ tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử giáo dục. Ngoài ra, Khoa còn đào tạo trình độ cử nhân Quản lý giáo dục hệ vừa làm vừa học. Cũng trong thời kỳ này, Khoa nỗ lực triển khai đề án mở chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ Quản lý giáo dục.
-Từ năm 2010 đến năm 2015:
Với sự nỗ lực liên tục của cán bộ, giảng viên trong Khoa, năm 2012, khoa Tâm lý- Giáo dục chính thức được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ Quản lý giáo dục.Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học và sau đại học, Khoa còn trực tiếp giảng dạy các lớp nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên phổ thông và giảng viên đại học. Bên cạnh sự nỗ lực về hoạt động đào tạo, Khoa còn đạt được nhiều thành tích về lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tính đến thời điểm này, Khoa đã và đang thực hiện hơn 30 đề tài cấp Bộ và cấp Bộ trọng điểm. Năm học 2010 – 2011, Khoa vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cũng trong thời kỳ này, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, song song với việc tích cực thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, Khoa Tâm lý - Giáo dục tập trung xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo hệ cử nhân sư phạm Tâm lý - Giáo dục theo định hướng POHE - đào tạo gắn với việc làm; chương trình đào tạo thạc sĩ theo 2 hướng: Nghiên cứu và ứng dụng; chương trình bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ Quản lý giáo dục dành cho cán bộ quản lý các cấp, bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên, bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ công tác Đoàn, Đội … Mặt khác, Khoa đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ. Số cán bộ trẻ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, số cán bộ có học hàm phó giáo sư được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh và trưởng thành của Khoa.
-Từ năm 2015 đến năm 2020:
Năm học 2015 - 2016, để kiện toàn tổ chức, nhằm đáp ứng yêu cầu của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên trong thời kỳ mới, Khoa Tâm lý - Giáo dục được cơ cấu lại thành 2 bộ môn: Khoa học Giáo dục và Tâm lý học. Năm 2018, cùng với việc tích cực hoàn thành nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, Khoa đã xây dựng thành công ba chương trình mới. Trong đó có hai chương trình đào tạo cử nhân: Cử nhân Quản lý giáo dục và cử nhân Tâm lý học trường học; Một chương trình bồi dưỡng giáo viên: Bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Hiện tại Khoa đang tích cực triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động có liên quan đến việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Cùng với việc góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông và hệ cử nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Trường và Đại học Thái nguyên, Khoa Tâm lý - Giáo dục đã đào tạo được nhiều cán bộ giảng dạy chuyên ngành Tâm lý - Giáo dục cho các trường Cao đẳng và Đại học; đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các lĩnh vực: Quản lý giáo dục, Giáo dục học. Hơn 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo Trường và Đại học Thái Nguyên, đặc biệt nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ thầy trò, Khoa Tâm lý - Giáo dục đã không ngừng lớn mạnh, góp phần vào quá trình phát triển chung của trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.